Long Phú các vị Achar góp sức bảo tồn gìn giữ tiếng nói chữ viết của đồng bào Khmer.
Với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng, thời gian qua, ông Thạch Thương, Trưởng Ban Quản trị chùa Sô Phonl Reng Sây Bâng Cro Chắp Thmây, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, luôn là tấm gương sáng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm để cùng chung tay, góp sức bổn tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và xây dựng nông thôn mới.
Vốn hiểu biết về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc, ông Thạch Thương, là người có uy tín trong đồng bào Khmer luôn phát huy vai trò của mình trong việc gìn giữ; phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; vận động con em đồng bào giữ gìn tiếng nói và chữ viết của dân tộc. Mỗi khi các em học sinh bước vào dịp hè, Thầy Thương và một số vị Achar của bổn sóc, tổ chức các lớp dạy chữ Khmer cho các em trong độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 2 (ngay tại Nhà văn hóa liên ấp Ko Kô – Tân Qui B). Bên cạnh đó, trong tháng vào các ngày mùng 8, 15, 23, 30 hoặc 29; thầy Thương, cùng với vị trụ trì, Ban quản trị chùa, tổ chức lồng ghép sinh hoạt phổ biến Pháp luật; thông tin các chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện và của địa phương, đặc biệt là các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa”, vận động đóng góp Quỹ Vì người nghèo; vận động các vị sư, bà con phật tử tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng cảnh quan môi trường “Sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn”; đoàn kết chấp hành Pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; tuyên truyền, vận động con em phật tử lánh xa các tệ nạn xã hội, phấn đấu học hành để trở thành con ngoan, trò giỏi, đóng góp công sức xây dựng quê hương.

Chân dung thầy Thạch Thương, hơn 23 năm duy trì dạy chữ Khmer cho các em đồng bào Khmer.
Thầy Thạch Thương chia sẻ: “Với vai trò là Trưởng Ban quản trị chùa, bản thân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động phối hợp với nhà chùa và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào phật tử tổ chức các hoạt động lễ, Tết theo nghi thức truyền thống, đúng theo quy định của Pháp luật; hướng dẫn bà con thực hiện đúng theo quy ước, hương ước nếp sống văn hóa và đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiêu biểu; ấp đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; đồng thời cùng với nhà chùa, vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân đóng góp kinh phí hỗ trợ tập, viết, quần, áo và một số vật dụng khác, tạo điều kiện cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, được học chữ Khmer tại chùa, ở các Nhà văn hóa ấp. Vận động bà con tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương, hiến đất, tiền của, ngày công lao động xây cầu, làm lộ giao thông nông thôn, dựng cột cờ, trồng cây xanh, làm hàng rào, phát hoang, làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm; hình thành các tuyến đường hoa kiểu mẫu, hướng đến đạt chuẩn ấp nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, để cuộc sống của bà con ngày càng phát triển, kinh tế ổn định, đóng góp xây dựng quê hương”.
%20h%E1%BB%8Dc%20ch%E1%BB%AF%20Khmer%20c%E1%BB%A7a%20th%E1%BA%A7y%20Th%E1%BA%A1ch%20Th%C6%B0%C6%A1ng.1.jpg)
Các em học sinh (lớp 1 và lớp 2) học chữ Khmer của Thầy Thương.
Có thể nói thầy Thạch Thương, là người luôn tâm huyết, mang con chữ của dân tộc truyền dạy cho con em đồng bào Khmer ở địa phương. Từ khi còn nhỏ, thầy Thương được cha mẹ gửi vào chùa để tu học và học chữ Khmer; dưới sự chỉ bảo của các vị sư trong chùa, thầy thông thạo đọc và viết chữ Khmer. Chính vì vậy, suốt 23 năm qua, thầy Thương luôn mong muốn các em nhỏ phải biết giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào mình. Thầy Thương tâm sự: “Tôi dạy học chữ Khmer từ năm 2000 đến nay, tôi luôn cố gắng duy trì lớp học này cùng với một số vị Achar ở đây, cùng dạy các em, mong các em được học để biết chữ Khmer, đọc được tiếng dân tộc mình, được dạy viết chữ, tiếng nói cho con em đồng bào mình là niềm vui và hạnh phúc của tôi trong mỗi dịp hè”. Em Trà Hương Giang, tham gia lớp học chữ Khmer lớp 2 của thầy Thương, tại Nhà văn hóa liên ấp Ko Kô nói: “Trước đây em thường xuyên nghe cha mẹ, hay người dân trong xóm nói chuyện với nhau bằng tiếng Khmer, em hiểu nhưng không biết viết; giờ có thể nói, đọc và viết được chữ của dân tộc mình, em cảm thấy rất vui và tự hào, em cảm ơn thầy rất nhiều”. Mỗi dịp hè, thầy Thương tận dụng Nhà văn hóa liên ấp Ko Kô và Tân Qui B, để dạy chữ cho các em học sinh trong xóm. Mỗi dịp thầy mở hai lớp (từ lớp 1 đến lớp 2), có hơn 50 em theo học. Ngoài thầy Thạch Thương còn có thầy Thạch Sol, luôn tâm huyết đem chữ Khmer đến con em đồng bào mình. Ngoài dạy chữ, các thầy còn dạy thêm về lối sống văn hóa của dân tộc, các em được bồi đắp thêm tình yêu đối với tiếng nói, chữ viết Khmer, để chung tay góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Hơn 23 năm, lớp dạy chữ Khmer của thầy Thạch Thương, tại ấp Ko Kô, xã Tân Hưng, luôn được duy trì hàng năm, việc làm này có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa đồng bào dân tộc Khmer. Đồng thời còn giúp cho các em vùng nông thôn có những không gian sinh hoạt lành mạnh, bổ ích.
Bài và ảnh: Sóc Ca.